Trong suốt một năm qua, khi Solana tung hoành cùng meme token, Base bứt tốc với SocialFi, Sui làm mưa làm gió nhờ các chương trình airdrop khổng lồ, thì Ethereum lại đứng đó lặng lẽ cập nhật kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng, cải thiện trải nghiệm. Có những ngày ETH bật tăng, nhưng rồi lại điều chỉnh. Có những tuần dòng tiền đổ về Layer-2, nhưng rồi lại phân mảnh. Và khi cộng đồng đang mải FOMO narrative mới mỗi tuần, một câu hỏi quen thuộc lại trỗi dậy: Liệu ETH có thể chạm mốc 10.000 USD trong năm 2025
Hay đó chỉ là giấc mơ đẹp của những người vẫn cố chấp tin vào thứ gọi là “giá trị dài hạn”?
Câu hỏi đó không dễ trả lời, nhưng chắc chắn không thể bỏ qua. Đặc biệt là khi ngày 23/7/2024, một cột mốc được cho là “kích nổ” dòng tiền tổ chức lại trở nên lặng lẽ một cách kỳ lạ.
Đó là ngày ETF giao ngay Ethereum chính thức được SEC phê duyệt. Và cũng là ngày thị trường kỳ vọng một cú pump tương tự Bitcoin đã từng làm đầu năm. Nhưng khác với Bitcoin ETF, nơi dòng tiền đổ vào 35 tỷ USD chỉ trong năm đầu tiên, ETH ETF lại mang đến một cú sốc ngược. Không chỉ không hút được tiền, ETF của Ethereum đã bị rút ròng tới 440 triệu USD
Câu chuyện này không còn là “chưa có hiệu ứng” mà là hiệu ứng ngược. Vấn đề ở đây không nằm ở bản thân ETF, mà nằm ở cách Ethereum đang được gói gọn trong các sản phẩm tài chính truyền thống: không staking, không yield, không DeFi.
Thật trớ trêu khi thứ làm nên sức mạnh của ETH khả năng sinh lợi từ staking, farming, làm tài sản thế chấp lại trở thành điểm yếu khi bước chân vào thế giới ETF. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể kiếm 4–10%/năm từ việc sử dụng ETH trong hệ sinh thái, thì nhà đầu tư tổ chức chỉ có thể ngồi chờ giá lên. Một tài sản lẽ ra nên sinh lời lại trở thành "một cục đá" đóng trong kho. Và điều đó khiến họ chọn Bitcoin đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, không yield cũng chẳng sao, vì chẳng ai kỳ vọng BTC sinh lời từ vận hành mạng lưới.
Tuy nhiên, hy vọng chưa hết. Bloomberg dự đoán SEC có thể cho phép staking trong ETF vào cuối năm 2025. Khi đó, ETH sẽ không còn là một tài sản chết trong tay tổ chức nữa. Với mức lợi suất 3–5%/năm thông qua staking, ETF của ETH sẽ trở nên hấp dẫn hơn cả trái phiếu chính phủ Mỹ.
Nếu điều này xảy ra, chỉ cần 1–2 tỷ USD đổ vào thị trường, giá ETH có thể bật tăng 10–15%. Và nếu dòng tiền lên tới 10 tỷ USD con số không hề viển vông với các quỹ lớn như BlackRock hay Fidelity thì mốc 10.000 USD là hoàn toàn trong tầm tay.
Nhưng tất cả vẫn chỉ là điều kiện “nếu”. Còn thực tế, ETH vẫn đang loay hoay khi chính lợi thế lớn nhất của nó là staking thì lại bị khóa bởi cơ chế ETF hiện tại.
Trong khi đó, có một làn sóng ngầm đang diễn ra: sự bùng nổ của Layer-2 và các ứng dụng AI. Base, Layer-2 được hỗ trợ bởi Coinbase, hiện đã xử lý tới 244 triệu giao dịch chỉ trong 30 ngày gần nhất, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Phí giao dịch trên các L2 giờ đây chỉ còn vài cent, khiến Ethereum không còn là hệ sinh thái “đắt đỏ” như trước. Song hành cùng đó là những dự án như Worldcoin – ứng dụng AI vào xác minh danh tính và phân phối tài sản số đang tiêu tốn hơn 140.000 USD mỗi tháng chỉ riêng cho phí gas Ethereum.
Con số này tuy chưa đủ để gây tiếng vang trên bảng giá, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy: Ethereum vẫn đang là nơi AI tìm đến khi cần sự bảo mật, khả năng xử lý tài sản, và hạ tầng onchain.
Ở góc độ cung cầu, ETH ngày càng trở nên khan hiếm. Cơ chế đốt phí EIP-1559 đều đặn loại bỏ từ 0,8 đến 1 triệu ETH mỗi năm. Số ETH bị khóa trong staking đã đạt hơn 38 triệu, chiếm khoảng 20% tổng cung lưu hành. Nghĩa là: cung giảm, cầu tăng, nhưng giá chưa tăng vì điều thiếu nhất vẫn là câu chuyện.
Câu chuyện đó lẽ ra đã bắt đầu lại từ bản nâng cấp Pectra, ra mắt ngày 7/5/2025. Nhưng thật đáng tiếc, Pectra không tạo ra tiếng vang truyền thông. Dù nó mang lại nhiều cải tiến đột phá, giảm phí giao dịch L2 tới 90%, nâng giới hạn staking từ 32 lên 2048 ETH, rút staking nhanh hơn, biến ví thường thành ví thông minh, nhưng nó vẫn “quá kỹ thuật” để viral. Pectra giúp Ethereum dễ dùng hơn, mạnh hơn, bền hơn, nhưng không giúp nó “hot hơn”.
Trong thế giới mà narrative là tất cả, thì đôi khi “làm đúng” vẫn thua “nói hay”.
Và đó chính là nghịch lý lớn nhất của Ethereum lúc này. Không ai phủ nhận ETH là trụ cột của DeFi, là trung tâm thanh khoản, là lớp nền để các Layer-2 hoạt động. Nhưng chính sự vững chắc ấy lại khiến Ethereum mất đi sức hấp dẫn trong mắt người dùng phổ thông.
Họ cần meme. Họ cần dễ hiểu. Họ cần hype. Và Ethereum với tất cả sự kỹ lưỡng của mình dường như đang ngày càng xa rời nhóm khán giả đại chúng.
Thêm vào đó, việc hệ sinh thái Ethereum đang bị phân mảnh bởi quá nhiều Layer-2 cũng gây ra hiệu ứng ngược. Arbitrum, Optimism, zkSync, Scroll, Base, Linea, Blast, mỗi nền tảng lại có cộng đồng, tài sản, công cụ riêng, khiến người dùng mới cảm thấy lạc lối.
Trong khi Solana có thể nói đơn giản rằng: "Mọi thứ trên một chain, nhanh, rẻ, dễ chơi", thì Ethereum phải mất 5–6 câu để giải thích cơ chế bridging, proof, rollup. Và điều đó khiến nó đánh mất cảm xúc, thứ cực kỳ quan trọng trong một thị trường tài chính mà tâm lý chi phối hành vi.
Vậy, ETH có thể lên 10.000 USD trong năm nay không?
→ Câu trả lời là có nhưng đi kèm nhiều điều kiện.
Phải có staking trong ETF. Phải có narrative mạnh. Phải có sự bùng nổ của L2 và AI. Và hơn hết, phải có sự thức tỉnh từ chính cộng đồng Ethereum để kể lại một câu chuyện đủ hấp dẫn cho thế giới tài chính mới.
Là một người ETH & DeFi Maxi, tôi tin ETH không chỉ là một token. Nó là khí gas của nền kinh tế mới. Là tài sản thế chấp cho thế giới DeFi. Là phương tiện thanh toán của các hợp đồng AI. Là đồng tiền của các DAO, RWA, DePIN. Là trái tim của Web3.
Giá có thể chưa phản ánh đúng giá trị đó nhưng thị trường, về lâu dài, không thể mãi lầm tưởng. Một ngày nào đó, ETH sẽ lên 10.000 USD và những người hiểu nó từ sớm sẽ không ngạc nhiên, chỉ mỉm cười.
→ ETH không phải để đầu cơ. ETH là để hiểu.
Và nếu bạn hiểu đủ sâu, bạn sẽ biết: 10.000 USD chỉ là điểm dừng chân, không phải đích đến.